1. Sức sinh sản của lợn rừng
Hiện nay, chăn nuôi lợn rừng đang phát triển ở nhiều nơi và trở thành một hướng phát triển kinh tế cho bà con nông dân. Trong chăn nuôi lợn rừng, nhiều người chăn nuôi đang gặp vấn đề sinh sản của lợn nái như lợn nái chậm động dục, động dục nhưng phối giống không đạt, hoặc phối đạt nhưng đẻ ít con…Hiện tượng này thường gặp đối với những người nuôi lợn rừng của Việt Nam hoặc lợn nái lai giữa lợn rừng Việt Nam với lợn địa phương miền núi.
Thông thường, trong tự nhiên lợn rừng thường động dục từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau. Mỗi lần động dục chỉ đẻ 5-6 con, Chính hiện tượng này đã làm cho nhiều người không thể phát triển chăn nuôi lợn rừng của Việt Nam được.
Trên thực tế, lợn rừng nhập từ Thái Lan ít gặp những trở ngại về sinh sản hơn so với lợn rừng Việt Nam. Có nhiều thông tin cho rằng, lợn rừng Thái Lan đã được cải tiến nhiều về khả năng sinh sản. Nhưng sản phẩm thịt của lợn rừng Thái Lan ở một góc độ nào đó vẫn chưa thực sự hấp dẫn người tiêu dùng như lợn rừng Việt Nam.
Những thông tin sau sẽ giúp cho người chăn nuôi lợn rừng có thể cải thiện được năng suất sinh sản của lợn nái rừng, góp phần phát triển chăn nuôi lợn rừng, nâng cao thu nhập.

Một số giải pháp để nâng cao năng suất sinh sản của lợn rừng
2.1 Giải pháp về thức ăn dinh dưỡng
Sử dụng thức ăn là một giải pháp để kích thích lợn nái động dục và tăng số lượng trứng rụng trong một chu kỳ động dục.
Thông thường, đối với lợn rừng, chúng ta thường cho rằng không cần cho ăn nhiều thức ăn. Điều này phù hợp với sinh trưởng của lợn rừng, nhưng chưa thực sự thỏa đáng đối với chăn nuôi lợn nái rừng sinh sản. Bởi vì, thức ăn và dinh dưỡng giai đoạn trước phối giống có vai trò quan trọng trong việc kích thích lợn nái động dục, kích thích sự phát triển của buồng trứng, tăng số trứng rụng, từ đó làm tăng số lượng con đẻ/lứa và số lứa đẻ/năm của lợn nái.
Để đạt được điều này, giai đoạn trước khi phối giống hoặc sau khi cai sữa lợn con, người chăn nuôi cần cho lợn nái ăn chế độ như sau:
Đối với lợn nái hậu bị chuẩn bị phối giống:
Trước khi dự kiến phối giống khoảng 10 - 14 ngày cho ăn tăng thêm 40% lượng thức ăn tinh (Ngô, cám gạo, đỗ tương rang, củ quả…) so với những ngày trước đó, lượng thức ăn thô xanh cho ăn tự do.
Sau khi lợn nái động dục, phối giống trở lại chế độ ăn bình thường.
Đối với lợn nái đã sinh sản:
Ngày cai sữa: Không cho lợn mẹ ăn, hạn chế nước uống
Những ngày sau đó: Cho ăn tăng thêm thêm 40% lượng thức ăn tinh (Ngô, cám gạo, đỗ tương rang, củ quả…) so với những ngày trước đó, lượng thức ăn thô xanh cho ăn tự do. Khi lợn nái động dục, phối giống trở lại chế độ ăn bình thường.

2.2 Sử dụng hormone để kích thích hoạt động sinh dục của lợn nái
2.2.1 Tác dụng của hormone
Hormone (Thuốc điều tiết sinh sản) là những chất có vai trò cực kỳ quan trọng, chúng có khả năng ức chế hoặc kích thích chức năng của các cơ quan sinh sản.
Sử dụng hormone để điều tiết sinh sản là một biện pháp hiệu quả làm tăng năng suất sinh sản của gia súc cái (Trong điều trị chữa vô sinh, chậm động dục, an thai, đẻ nhiều con/lứa; đẻ nhiều lứa/năm và dễ đẻ), làm tăng chất lượng tinh trùng của gia súc đực, từ đó làm tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.
2.2.2 Cơ chế tác động của hormone
Hormone điều hòa tuyến sinh dục (Gonadotropin): Gồm hai loại hormone FSH (Hormone kích thích nang noãn) và LH (Có tác dụng làm tế bào trứng chín và rụng).
Gonadotropin có tác dụng kích thích hoạt động bình thường của tuyến sinh dục và tiết hormone sinh dục của con đực và con cái.
Trong chu kỳ động dục bình thường, FSH có tác dụng kích thích các noãn nang trứng phát triển và thành thục. Khi đó, sẽ kích thích buồng trứng tiết ra hormone oestrogen. Giữa chu kỳ động dục, oestrogen kích thích giải phóng hormone LH, làm cho các tế bào noãn sẽ vỡ ra và rụng trứng. Đồng thời tại chỗ rụng trứng, sẽ hình thành thể vàng. Thể vàng tiết ra progesteron, có chức năng ức chế quá trình động dục của con cái và an thai (tạo điều kiện cho thai phát triển).
Đối với con đực, FSH có vai trò trong tạo tinh trùng, Lh kích thích các tế bào tiết ra Testosteron (Là hormone có tác động trực tiếp lên ống sinh tinh để sản sinh ra tinh trùng).
Hormone Prostagladin:
Có tác dụng thủy phân mạnh thể vàng, kích thích phát triển buồng trứng, hoàn thiện chu kỳ động dục ở kỳ sinh sản tiếp theo. Gây cảm ứng đồng bộ về động dục và cho nái đẻ đồng loạt để quản lý sinh sản một cách hữu hiệu.
Chủ động chọn thời điểm cho lợn nái đẻ theo ý muốn (lợn nái đẻ tự nhiên sau khi dùng thuốc 20-30 giờ).
Điều trị rối loạn chức năng rụng trứng, chu kỳ trứng rụng không đều và không có trứng.
Hormone Oestradiol:
Kích thích động dục và phát triển hoàn chỉnh cơ quan sinh dục cái, gây động dục cho lợn nái.
Kích thích tăng phát triển tử cung, tăng hormone sinh trưởng…
Hormone progesteron:
Là hormone tiết ra từ thể vàng của lợn nái. Progesteron được dùng trong thời gian lợn nái mang thai và có nguy cơ bị sảy thai, hoặc lợn nái có tiền sử bị sảy thai thường xuyên ở các lứa đẻ trước đó.
Tác dụng chính là kích thích phát triển và gây biến đổi trong tử cung, chuẩn bị đón trứng đã thụ tinh, tạo điều kiện cho phôi và thai phát triển. Progesteron làm mềm tử cung, giảm kích thích co bóp tử cung (Có tác dụng giữ thai nên còn được gọi là tố trợ thai). Progesteron có tác dụng ức chế quá trình rụng trứng, tăng cường kích thích tiết sữa, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi nước và muối khoáng trong cơ thể.
Oxytocin:
Oxytocin theo tiếng Hy lạp có nghĩa là "đẻ nhanh". Là hormone của loài động vật có vú, hoạt động như sự dẫn truyền các xung động thần kinh trong não. Oxytoxin kích thích co bóp tử cung để làm giãn cổ tử cung ở lợn nái trước khi sinh và gây những cơn co bóp ở giai đoạn 2 và giai đoạn 3.
Tác dụng hỗ trợ lợn nái đẻ khó, do co bóp tử cung yếu.
Tác dụng làm tăng tiết sữa của lợn nái sau khi đẻ.

2.2.3 Cách sử dụng hormone cho lợn rừng
a. Gây động dục: Sử dụng trường hợp lợn nái rừng chậm động dục hoặc không động dục:
- Bước 1: Tiêm hormone progesteron: 3 lần mỗi lần cách nhau 2 ngày với liều lượng 6, 4 và 2 ml/lần.
- Bước 2: Sau khi tiêm xong progesteron ngày thứ 3 tiến hành tiêm đồng thời 3 loại sau:
Tiêm mũi 1: Hormone Prostagladin: 1ml
Tiêm mũi 2: Tiêm Hormone gonadotropin + oestradiol: 4 ml
Tiêm mũi 3: Vitamin ADE (4ml)
Lưu ý: Dùng mũi kim 18, tiêm sâu bắp thịt
b. Lợn nái động dục nhiều lần phối giống không đạt
Đến ngày thứ 17 hoặc 18 của chu kỳ động dục tiếp theo tiêm các loại sau:
Tiêm mũi 1: Hormone Prostagladin: 1ml
Tiêm mũi 2: Tiêm Hormone gonadotropin + oestradiol: 4 ml
Tiêm mũi 3: Vitamin ADE (4ml)
c. Tăng số con đẻ/lứa
Khi lợn nái bắt đầu có biểu hiện động dục, tiêm
Tiêm mũi 1: Hormone Prostagladin: 1ml
Tiêm mũi 2: Tiêm Hormone gonadotropin + oestradiol: 4 ml
Tiêm mũi 3: Vitamin ADE (4ml)
Mục đích để tăng độ hưng phấn của lợn nái, kích thích buồng trứng nhằm tăng số lượng nang noãn phát triển, cho số lượng trứng rụng nhiều hơn từ đó số phôi chuyển vào tử cung nhiều hơn, chất lượng phôi tốt hơn góp phần làm tăng số con đẻ/lứa.
Ngoài ra, phác đồ này còn giúp kích thích buồng trứng phát triển, tạo điều kiện cho nội mạc tử cung phát triển, thuận tiện cho thai làm tổ.
3. Những lưu ý để tăng hiệu quả sử dụng hormon
- Phải sử dụng đúng liều lượng, đúng hướng dẫn.
- Phải có biện pháp cố định lợn nái rừng (Sử dụng cũi sắt), để tránh lợn nái sợ hãi hoặc bị stress.
- Kết hợp việc sử dụng hormone với chế độ ăn tăng về thức ăn dinh dưỡng
- Khi lợn nái động dục, phải cho phối giống ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau 10-12 giờ.
Đ/c liên hệ: PGS.TS. Trần Văn Phùng
Mobile: 0912 249 218