Năm 2010, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt dự án “Mở rộng mô hình chăn nuôi giống lợn địa phương đặc sản tại tỉnh Bắc Kạn” tại Quyết định số 1553/QĐ-UBND ngày 27/7/2010. Với tổng kinh phí 4.739,554 triệu đồng, thời gian thực hiện từ năm 2011 đến năm 2012, đến nay Ban quản lý dự án – Viện Khoa học Sự sống đã triển khai thành công các mô hình chăn nuôi giống lợn địa phương đặc sản tại 3 huyện: Ngân Sơn, Ba Bể và Pác Nặm của tỉnh Bắc Kạn. Theo đánh giá của các cơ quan hữu quan của tỉnh Bắc Kạn, các mô hình chăn nuôi giống lợn địa phương tại 3 huyện đều mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Dự án đã xây dựng được 30 mô hình chăn nuôi giống lợn địa phương đặc sản tại 3 huyện của tỉnh Bắc Kạn. Trong đó có 3 mô hình với quy mô 2 lợn đực, 10 lợn nái và 27 mô hình với quy mô 2 -3 lợn nái, 2-3 mô hình chung nhau 1 lợn đực.
Đây được coi là phương thức sản xuất được xây dựng dựa trên trình độ sản xuất, kinh tế xã hội và kinh nghiệm sản xuất của địa phương, có bổ sung thêm các kỹ thuật chăn nuôi nhằm tăng năng suất và phát triển đàn lợn. Vì thế người dân dễ chấp nhận, dễ áp dụng và hiệu quả chăn nuôi đã được cải thiện rõ rệt, từng bước thay đổi tư duy và nếp nghĩ và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Nâng cao thu nhập của người dân, tạo thêm công ăn việc làm: Bằng phương thức chăn nuôi lợn mới này, và do sản phẩm chăn nuôi phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng có tính “Đặc sản” cho nên giá bán khá cao, vì vậy thu nhập của người dân cao hơn. Hình thành nên một mạng lưới sản xuất bao gồm nhiều hộ tham gia, cùng nhau phát triển sản xuất, giải quyết khó khăn nảy sinh, tìm kiếm thị trường... Với phương thức này, việc chăn nuôi lợn sẽ có cơ hội phát triển trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt hơn như hiện nay.