Viện Khoa học sự sống là đơn vị nghiên cứu của Đại học Thái Nguyên được thành lập theo Quyết định số 852/QĐ- TCCB do Giám đốc Đại học Thái Nguyên ký ngày 30 tháng 9 năm 2008 trên cơ sở từ Phòng Thí nghiệm Trung Tâm của Trường Đại học Nông Lâm. Viện được Đại học Thái Nguyên phân cấp cho Trường Đại học Nông Lâm quản lý toàn diện Quyết định số 1229/QĐ-ĐHTN do Giám đốc ĐHTN ký ngày 29/7/2019.
Về cơ cấu tổ chức: 01 Viện trưởng và 02 Phó Viện trưởng; Hội đồng khoa học; Viện có 2 phòng chức năng (Phòng Tổng hợp; Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế) và 06 Phòng thí nghiệm (PTN Hóa sinh; PTN Công nghệ tế bào; PTN Sinh học phân tử; PTN Công nghệ vi sinh; PTN Công nghệ môi trường; PTN Hóa học các hợp chất thiên nhiên). Trong đó có một phòng thử nghiệm được chỉ định của Bộ NN&PTNT thuộc hệ thống các phòng thử nghiệm kiểm tra đánh giá chất lượng nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Hiện tại, Viện đang xây dựng một phòng Phân tích Hóa học đạt tiêu chuẩn VILAS/IOS 17025:2005. Là một đơn vị được đầu tư, tập hợp các trang thiết bị nghiên cứu khoa học hiện đại. Viện Khoa học sự sống có một cơ sở vật chất trang thiết bị khá hiện đại và đồng bộ của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Về nhân lực, Viện khoa học sự sống có tổng số 42 cán bộ viên chức trong đó: có 24 cán bộ cơ hữu (8 cán bộ trong biên chế, 16 viên chức hợp đồng); 12 cán bộ kiêm nhiệm; 06 chuyên gia (02 giáo sư; 05 Phó giáo sư; 12 tiến sĩ; 13 Thạc sỹ; 03 đại học, còn lại kỹ thuật viện. Ngoài ra, tại các phòng thí nghiệm và khu thực nghiệm của Viện thường xuyên có rất nhiều cán bộ, giáo viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên và một số chuyên gia, nghiên cứu sinh của một số nước trên thế giới đến tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học và học tập.
Chức năng:
Viện KHSS thuộc Đại học Thái Nguyên có chức năng nghiên cứu khoa học (cơ bản và ứng dụng), đào tạo cán bộ Đại học và Sau đại học, chuyển giao khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực cụ thể, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực trung du, miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Viện KHSS thực hiện các nhiệm vụ cơ bản:
Nghiên cứu khoa học: Các hoạt động nghiên cứu tập trung vào: Nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện miền núi phía Bắc; Chẩn đoán sớm dịch bệnh ở người, cây trồng và vật nuôi; Bảo quản, chế biến nông sản phẩm; Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ sức khỏe con người; Nghiên cứu và ứng dụng các hoạt tính sinh học của các hợp chất tự nhiên trong bảo vệ sức khỏe con người, công nghệ thực phẩm và nâng cao năng suất chất lượng vật nuôi cây trồng; Nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát triển nguồn gene bản địa; Nghiên cứu cải tạo và bảo vệ môi trường.
Chuyển giao công nghệ vào sản xuất: Bao gồm: Tư vấn, đầu tư và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học sự sống trọng tâm cho các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc; Xây dựng các mô hình phát triển sản xuất nông lâm nghiệp hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội địa phương; Xây dựng các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học có sự tham gia của cộng đồng, các mô hình sản xuất kết hợp bảo vệ môi trường, các mô hình y tế cộng đồng…
Phục vụ đào tạo: Hướng dẫn sinh viên học tập, thực hành các kỹ năng chuyên môn thuộc một số ngành mũi nhọn của Đại học Thái Nguyên. Hướng dẫn học viên cao học và Nghiên cứu sinh làm đề tài nghiên cứu tại Viện góp phần đào tạo các bộ KH có trình độ cao. Đào tạo Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm cho các đơn vị trên địa bàn.
Dịch vụ khoa học công nghệ: Đảm nhiệm các hoạt động hỗ trợ cho sản xuất của các đơn vị và địa phương, bao gồm: Phân tích thành phần hóa học của nông sản thực phẩm, các hoạt động sản xuất và cung cấp cây con giống chất lượng cao, sản xuất, cung cấp nước uống tinh khiết và các sản phẩm khoa học công nghệ khác....